Đầu nậu gỗ lách luật bằng... nhà gỗ

Trong vai người đi mua nhà gỗ, PV đã về huyện Ea Súp để tìm hiểu cách buôn gỗ mới của họ.

Trong vai người đi mua nhà gỗ, PV đã về huyện Ea Súp để tìm hiểu cách buôn gỗ mới của họ.

Làm nhà để... bán gỗ

Sau nhiều ngày thuyết phục, cuối cùng anh H. (một đầu nậu gỗ đã giải nghệ và có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề này) mới đồng ý dẫn chúng tôi đi mua nhà gỗ quý. “Hình thức mua bán nhà gỗ quý, thực chất là để vận chuyện gỗ quý dễ dàng hơn mà thôi. Nếu bị kiểm lâm bắt, chỉ cần xuất trình giấy xác nhận bán nhà của xã và kiểm lâm địa bàn là xong. Nhưng bây giờ họ (kiểm lâm - PV) cũng biết chiêu này rồi, cho nên muốn hợp thức hóa được cũng phải chung chi nhiều lắm”, anh H. tâm sự.

Trước giờ khởi hành, anh H. đã gọi điện nhờ một “cò” mua bán gỗ quý ở huyện Ea Súp dẫn đi. Vì chỗ quen biết, “cò” này không dẫn đi để lấy hoa hồng mà cho chúng tôi địa chỉ tới gặp trực tiếp.

Khoảng 10 giờ ngày 30-11, xe chúng tôi dừng chân tại nhà nghỉ N.K.T (đường Hùng Vương, thị trấn Ea Súp) theo chỉ dẫn của “cò”. Ngay tại phòng khách của ngôi nhà, gia chủ trưng bày hàng trăm món đồ gỗ quý hiếm làm ai cũng choáng ngợp. Ông K. (chủ nhà nghỉ N.K.T) vừa đon đả mời khách dùng trà, vừa khoe: “Bộ bàn ghế các anh đang ngồi là gỗ hương. Tôi mua gốc cây hương từ những thợ đi rừng (cách nói về lâm tặc của ông - PV) và thuê thợ mộc làm mất hai tuần đó. Bây giờ, bộ này có bán qua Trung Quốc tôi cũng lo được giấy tờ”.
Trầm trồ khen bộ bàn ghế của gia chủ xong, chúng tôi nói cho ông K. biết chỉ muốn mua nhà gỗ quý thôi. “Ờ, tôi quên mất! Hồi nãy có nghe ông bạn giới thiệu các anh đi mua nhà gỗ. Nhưng chỗ gỗ dự định làm nhà, tôi cất nơi khác. Để tôi dẫn các anh đi”, ông K. nói.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi theo chân ông K. vào ngôi nhà để gỗ của ông cách đường Hùng Vương chừng 2km. Ngay trước sân nhà, có 2 đống gỗ lớn được ông lấy bạt che lại. Vạch tấm bạt lên, ông K. giới thiệu: “Đây là 16 cột gỗ kiền kiền (thuộc nhóm II - PV), quý lắm và bây giờ trong rừng Ea Súp chắc không còn nữa đâu. Những cột gỗ này tôi mua của những thợ đi rừng từ mấy năm trước, góp lại định làm cái nhà và mở quán bán cà phê”.

Sau đó, ông K. lại mở bạt đống gỗ kiền kiền thứ hai dùng để làm xà ngang của ngôi nhà. Cả hai đống gỗ ước chùng hơn 20m³. Ngay thềm nhà ông, lại có một bộ bàn ghế làm từ gốc gỗ hương được đục theo kiểu “tứ linh”. Xung quanh đó, gỗ quý vứt đầy thềm. Ông K. nói đây là nhà cháu ông, nhưng qua cách xưng hô của ông với mấy người thợ trong nhà, chúng tôi biết chắc ông là chủ ngôi nhà này.

Ngồi trên xe ra đường Hùng Vương, ông K. chỉ vào những nương rẫy hai bên con đường đất, cho biết: “Khi tôi đặt chân đến đây vào mười năm trước, xung quanh chỉ toàn rừng thôi. Ngày đó chúng tôi dại lắm, cứ chặt cây xong rồi đốt hoặc chỉ làm hàng rào mà thôi. Nếu ngày đó, lấy gỗ làm nhà rồi bây giờ đem bán thì giàu to”!

Trở lại câu chuyện bán gỗ cho chúng tôi, ông nói: “Nếu các anh thích mua nhà, tôi sẽ nhờ người làm và bán nhà. Còn nếu các anh muốn đem gỗ về làm nhà, tôi bán hai đống gỗ kia và 10 cây gỗ tròn kiền kiền khác nữa với giá 400 triệu đồng, chưa tính chi phí vận chuyển và chi phí “làm luật” với kiểm lâm”. “Còn thủ tục vận chuyển ai lo?”, chúng tôi hỏi. “Các anh yên tâm, tôi sẽ giới thiệu đến bà T. và bà N. (chủ các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn huyện Ea Súp - PV) lo giùm các anh. Còn chi phí bao nhiêu, tôi phải gọi điện hỏi họ đã”, ông K. trả lời.

Nhà ở cũng bán...

Ngoài việc buôn bán gỗ, ông K. cũng là một tay “cò” trong việc giới thiệu các mối hàng ở huyện Ea Súp. Xong việc giới thiệu hàng của mình, ông chuyển sang vai trò làm “cò” mua bán nhà cũ. “Để các anh có nhiều lựa chọn, tôi sẽ dẫn tới xem cái nhà sàn gỗ của ông bạn tôi. Ngôi nhà này đã cũ, làm bằng gỗ cà chít (thuộc nhóm II - PV) và bây giờ họ muốn bán để làm nhà xây. Nếu mua bán xong, các anh cho xin ít tiền uống cà phê”, ông K. mồi chài.

 

Toàn bộ ngôi nhà anh T. đều làm bằng gỗ quý

Đồng ý với đề nghị của ông, chúng tôi đánh xe đến ngôi nhà đó. Nằm cách tỉnh lộ 1 chừng 50m, ngôi nhà được làm theo kiểu nhà sàn đồng bào phía Bắc và có một gác. Chỉ trừ mái lợp ngói, toàn bộ ngôi nhà đều làm bằng gỗ. Không như lời ông K. giới thiệu, chỉ có cột và xà ngang của ngôi nhà làm bằng gỗ cà chít, còn lại chủ yếu bằng gỗ gõ. Theo ước lượng, ngôi nhà được làm từ khoảng 70 - 80m³ gỗ.

Dạo quanh một vòng, chúng tôi tìm chủ nhà hỏi giá. Nhưng anh T. (chủ nhà) đi rẫy, còn vợ và con trai thì bảo không biết giá cả bao nhiêu. Trong lúc đó, ông K. bí mật ra sau nhà gọi điện cho anh T. hỏi giá. “Các anh xem kỹ đi nhé, tôi đã hỏi giá rồi. Ra quán cà phê mình trao đổi, chứ nói chuyện giá cả ở đây không tiện”, nói rồi ông T. dẫn chúng tôi ra một quán cà phê nằm ngay đường Hùng Vương.

Quán cà phê cũng được làm toàn bằng gỗ. Nhìn từ xa, trong quán như một ngôi nhà rường cổ ở Huế. Từ cột, xà, cho tới ván thưng đều làm bằng các loại gỗ như: cà chít, gõ, chiêu liêu… Nhưng theo ông K.: “Cái nhà này cũng thường thôi, ở đây có nhiều nhà làm bằng gỗ cẩm, gỗ hương… đẹp lắm. Khi nào có dịp, tôi sẽ dẫn các anh đi xem”.

Trở lại chuyện ngôi nhà sàn gỗ vừa đi xem, ông K. nói chủ nhà đòi giá 1,4 tỷ đồng, chưa tính tiền vận chuyển. Ông khẳng định: “Cái nhà này dễ vận chuyển hơn gỗ của tôi vì chỉ cần xác nhận nguồn gốc nhà của địa phương và kiểm lâm địa bàn thôi. Các anh tính kỹ đi, nếu muốn mua thì báo tôi. Còn vận chuyển không sợ đâu, vì nhà xe họ đã chung chi cho các trạm hết rồi”. Lấy số điện thoại ông K., chúng tôi bảo nếu mua được sẽ trả lời ông trong một ngày gần nhất.

Có biết cũng bó tay?

Rời quán cà phê, chúng tôi tiếp tục đánh xe đi xem những ngôi nhà gỗ ở Ea Súp. Quả như lời ông K., có rất nhiều ngôi nhà nằm ngay cạnh đường Hùng Vương (thị trấn Ea Súp) làm bằng gỗ quý. Ea Súp là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Đắc Lắc, nhưng không ở đâu chơi sang như ở đây. Tại những ngôi nhà xây lớn nhất của huyện, ván cửa làm bằng gỗ nguyên miếng, ngay cả nền nhà, tường và trần cũng đều lát gỗ quý.

Nằm cạnh trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cũng có một ngôi nhà gỗ mới mua về dựng lên. “Họ dựng tạm thế thôi, chứ ai hỏi mua là họ bán ngay. Chẳng qua dựng nhà lên để che mắt thiên hạ, chứ kiểm lâm biết hết. Chỉ có điều họ muốn bắt hay không?”, anh H. cho biết. Nếu đúng như lời anh H., chẳng còn lâu nữa, những ngôi nhà này sẽ bon bon về xuôi theo những chuyến xe chở gỗ lậu.

Ông Lê Văn Trọng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, trần tình: “Từ trước tới nay, hạt chưa bắt vụ nào vận chuyển nhà gỗ cả. Nhưng tôi biết, chắc chắn trên địa bàn có tình trạng lợi dụng việc làm nhà để bán gỗ quý”. “Vậy tại sao hạt không bắt?”, tôi hỏi. Ông chợt đăm chiêu giãi bày: “Theo Quyết định 59 của Bộ NN-PTNT ban hành ngày 10-10-2005, đối với nhà cũ, hàng mộc hoàn chỉnh thì kiểm lâm không được kiểm tra hóa đơn. Khi người dân có nhu cầu bán, chỉ cần có xác nhận của xã và kiểm lâm địa bàn là được. Vì thế, khi họ núp dưới hình thức bán nhà cũ để bán gỗ thì chúng tôi cũng chịu thua”.

Ông Trọng còn cho biết: Nếu Bộ NN-PTNT không thay đổi những bất cập nói trên trong Quyết định 59, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục lợi dụng những kẽ hở để vận chuyển gỗ dễ dàng và dù có biết, chúng tôi cũng bó tay.

Rõ ràng, cùng với sự tiếp tay của nhiều kiểm lâm “bẩn”, các đầu nậu và doanh nghiệp buôn bán gỗ đang khai thác triệt để những kẽ hở của pháp luật để vận chuyển, tiêu thụ gỗ quý. Ngày từng ngày, những chuyến xe vận chuyển nhà cũ từ Đắc Lắc về xuôi đang cướp đi những cây gỗ quý cuối cùng trên mảnh đất này.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Đầu tư Tam Minh
Địa chỉ: Lô 19+20 Phân khu Công nghiệp Sài Gòn-Dung Quất, Xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam
Tel: +84-55 3853277+84-55 3853277 - Fax: +84-55 3632277
Email: tamminhqn@gmail.com - Website: www.tamminh.vn

 

Lượt truy cập: 1319868