Thực trạng và các giải pháp phát triển bền vững ngành dăm gỗ tại Bình Định

Bình Định là tỉnh có lợi thế về vị trí địa lý với 2 cảng biển và 2 tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng (Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19), thuận lợi cho việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung; đây là điều kiện nền tảng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều ngành công nghiệp chế biến phát triển nhanh, mang lại giá trị sản xuất lớn như ngành chế biến gỗ, dăm gỗ, đường, … trong đó, Bình Định là một trong những địa phương có ngành công nghiệp chế biến dăm gỗ đứng đầu cả nước về sản lượng và giá trị xuất khẩu.

 

Năm 2009, cả tỉnh có 8 nhà máy dăm gỗ với lượng dăm xuất khẩu khoảng 189 nghìn tấn, với kim ngạch xuất khẩu gần 22 triệu USD. Đến năm 2013, Bình Định đứng đầu cả nước với 19 nhà máy dăm và 2 nhà máy đang trong gia đoạn xây dựng cơ bản, với sản lượng dăm xuất khẩu hơn 482 nghìn tấn, tăng 155,5% so với năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt gần 75 triệu USD, tăng 239,4% so với năm 2009. Với kết quả này Bình Định đã trở thành một trong những địa phương cung cấp nguồn nguyên liệu dăm gỗ xuất khẩu lớn sang thị trường nước ngoài.

Sản lượng dăm gỗ xuất khẩu được tiêu thụ mạnh cũng đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến dăm nói riêng và giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh nói chung. Ngành chế biến dăm gỗ phát triển mạnh do lợi nhuận thu được từ ngành này rất lớn, trong khi đó chi phí đầu tư cho việc sản xuất dăm không lớn. Bên cạnh đó Bình Định là địa phương có diện tích rừng trồng khoảng 103 nghìn ha, chiếm 50,5% diện tích rừng của toàn tỉnh, hàng năm cho khai thác một lượng gỗ lớn và tăng qua các năm. Năm 2009 sản lượng gỗ khai thác rừng trồng đạt gần 174 nghìn m3; đến năm 2010 sản lượng này đạt 211 nghìn m3, tăng 21%, và đến nay, sản lượng gỗ khai thác rừng trồng đạt gần 435 nghìn m3 tăng 150% so với năm 2009.

Nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường xuất khẩu dăm cũng được mở rộng sang các nước nhưTrung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan,…Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi trong khâu xuất khẩu dăm, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, điều này đã làm cho công nghiệp chế biến dăm tiếp tục tăng trưởng, góp phần vào sự phát triển chung cho ngành công nghiệp của tỉnh.

Mặc dù là địa phương có sản lượng gỗ khai thác cao, nhưng sự phát triển quá nhanh của ngành dăm gỗ làm cho nhiều doanh nghiệp lo lắng. Phần lớn nguồn nguyên liệu chủ yếu đến từ các hộ gia đình, nhưng do chi phí trồng rừng tăng cao và thời gian thu hoạch kéo dài (>5 năm), nên đã diễn tra tình trạng bán rừng khi chưa đến độ thu hoạch làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của sản phẩm. Trong khi đó, do lợi nhuận thu được từ ngành này rất lớn nên kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu ồ ạt (sản lượng dăm XK năm 2013 tăng 70,3% so với năm 2012). Với xu hướng này, trong thời gian tới sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu không chỉ cho ngành dăm mà còn ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ gỗ nội thất. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu dăm tuy được mở rộng, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính chiếm 68,5% tổng sản lượng dăm xuất khẩu của tỉnh, vì vậy, trong quá trình sản xuất, tiêu thụ cũng gặp nhiều rủi ro khi thị trường này gặp biến động.

Từ những thực trạng trên, để doanh nghiệp có hướng phát triển phù hợp, giúp ngành công nghiệp chế biến dăm gỗ có sự tăng trưởng ổn định và bền vững thì trong thời gian tới UBND tỉnh cũng như các cấp, các ngành cần có sự chỉ đạo kịp thời và đưa ra các giải pháp phù hợp như: Cần có cơ chế, chính sách quy hoạch đối với ngành công nghiệp dăm gỗ; cần có chính sách hài hòa lợi ích giữa ngành dăm và các ngành khác cùng sử dụng nguyên liệu gỗ đầu vào; cần có những chính sách tín dụng ưu đãi đối với người trồng rừng, để kéo dài chu kỳ rừng trồng nhằm tạo ra cây gỗ lớn có chất lượng cao ...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thiết lập mối liên hệ với hộ trồng rừng nhằm đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu được ổn định. Cần mở rộng thị trường sang các nước có tính ổn định hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan ... Ngoài ra Hiệp hội gỗ cần phải quan tâm và khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ trong giai đoạn hiện nay không nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để tránh gặp rủi ro trong kinh doanh. Hạn chế việc xây dựng quá nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ, tránh việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong tương lai, không chỉ ngành dăm mà còn ảnh hưởng đến nhiều ngành khác sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ.

Với những giải pháp và cơ chế, chính sách phù hợp, hy vọng trong thời gian tới ngành chế biến dăm gỗ sẽ có những bước phát triển ổn định và bền vững, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương./.

 

Võ Thành Chương - Phòng CN - Cục TK Bình ĐỊnh (Cập nhật ngày 13-01-2014)
 

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Đầu tư Tam Minh
Địa chỉ: Lô 19+20 Phân khu Công nghiệp Sài Gòn-Dung Quất, Xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam
Tel: +84-55 3853277+84-55 3853277 - Fax: +84-55 3632277
Email: tamminhqn@gmail.com - Website: www.tamminh.vn

 

Lượt truy cập: 1319874